Một số ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác hải sản ở Việt Nam trong thời gian qua

Trong giai đoạn vừa qua, nhiều ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, hiện đại hóa nghề cá, giảm sức lao động trực tiếp của ngư dân đã được nghiên cứu, du nhập và ứng dụng tại Việt Nam. Các công nghệ mới tập trung vào các vấn đề như: công nghệ thiết kế, chế tạo tàu cá; Công nghệ ngư cụ, khai thác tiên tiến và có chọn lọc; Công nghệ bảo quản sau thu hoạch; Công nghệ thu thả ngư cụ...cụ thể là:

      Về công nghệ thiết kế, chế tạo tàu cá: Công nghệ thiết kế và thi công đóng tàu cá vỏ thép, vỏ composite hiện nay đã được áp dụng ở nước ta. Công nghệ sử dụng khuôn đúc rời trong sản xuất vỏ tàu composite đã được áp dụng tại Công ty Công nghiệp tàu thủy - Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Viện Khoa học tàu thủy - Đại học Nha Trang,... Nhiều tàu cá vỏ thép, vỏ composite đã được thiết kế, thi công và đưa vào sử dụng ở Việt Nam. Với chính sách khuyến khích phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, đã có trên 50% ngư dân đăng ký vay vốn đóng tàu vỏ thép và Composite.

      Công nghệ mẫu tàu lưới vây boong thao tác ở phía sau (vây đuôi): Mẫu tàu lưới vây đuôi cải hoán từ tàu lưới vây mạn đã được nghiên cứu, thử nghiệm tại tỉnh Tiền Giang. Kết quả thử nghiệm cho thấy mẫu tàu cải hoán hoạt động ổn định, tốc độ thả lưới đạt đến 9,2 hải lý/giờ và cơ động hơn so với tàu lưới vây mạn (trước cải tiến) khi thả lưới. Thiết bị khai thác lắp đặt trên boong phù hợp, đảm bảo độ bền, tiện lợi cho việc thả và thu lưới vây phía sau đuôi. Ngoài ra, một tàu lưới vây đuôi đã được sử dụng ở Phú Yên. Tàu này do ngư dân tự thiết kế và thi công và đang được sử dụng một cách hiệu quả.

      Mẫu tàu lưới vây đuôi cũng đã được sử dụng ở Bình Định năm 2014, nhưng do thiếu kỹ năng vận hành của thuyền trưởng và thuyền viên nên tàu này đã được cải hoán trở lại sử dụng theo truyền thống.


      Máy thu-thả ngư cụ: Các loại máy móc, thiết bị cơ khí tiếp tục được du nhập, chuyển giao cho tàu cá Việt Nam như: máy thu - thả câu trên tàu câu cá ngừ ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; máy thu lưới vây (đứng) ở các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa,...; hệ thống thu - thả lưới chụp ở Quảng Ninh, Hải Phòng và đang được chuyển giao cho tàu cá ở Quảng Bình, Bình Thuận, Cà Mau.

      Thiết bị điện, điện tử: Một số thiết bị điện, điện tử như: máy dò cá ngang, ra đa, máy thông tin liên lạc tầm xa, phao vô tuyến,... tiếp tục được mở rộng sử dụng trên các tàu cá hoạt động khai thác ở vùng biển xa bờ ở các tỉnh: Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang,... Máy nhận dạng tự động AIS để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển đã bước đầu đưa vào tàu cá nước ta. Sử dụng máy dò cá ngang đã được đánh giá cho hiệu quả khai thác cao hơn.

      Ngoài ra còn có nhiều trang thiết bị phục vụ sinh hoạt và đảm bảo an toàn lao động và cho thuyền viên như máy lọc nước biển, điện thoại vệ tinh, phao cá nhân có định vị... đã được đưa vào sử dụng trong nghề khai thác hải sản.

      Ngư cụ và công nghệ khai thác mới

          Lưới chụp 4-6 tăng gông: Công nghệ lưới chụp này được phát triển, chuyển giao rộng rãi ở các địa phương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Bình Thuận, Cà Mau, Quảng Nam, Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau … để khai thác mực ống, mực đại dương và cá nổi nhỏ. Ứng dụng công nghệ này, năng suất khai thác mực ống tăng lên từ 2,0 – 2,5 lần; có thể thay thế nghề câu mực đại dương trên thúng rất nguy hiểm ở các tỉnh miền Trung; có thể nâng cao năng suất, hiệu quả khai thác cá nổi nhỏ. Đây là nghề có tiềm năng phát triển tốt để khai thác cá nổi nhỏ và mực ở các vùng biển.

          Lưới vây khai thác cá ngừ: Mẫu lưới vây cải tiến khai thác cá ngừ đã được thử nghiệm và chuyển giao cho một số tàu cá ở Tiền Giang, Cà Mau, Bình Định,... Mẫu lưới này phù hợp với mẫu tàu lưới vây có boong thao tác ở phía sau, khai thác cá ngừ đại dương (chủ yếu là cá ngừ vằn) ở vùng biển xa bờ miền Trung và Đông Nam Bộ.

          Lưới rê hỗn hợp: Mẫu lưới rê hỗn hợp đang được phát triển và chuyển giao vào sản xuất thực tế ở nhiều địa phương: Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau... Lưới này có khả năng khai thác tốt các đối tượng có giá trị kinh tế cao, phân bố ở các tầng nước khác nhau như: cá dưa, cá đổng, cá song, cá thu, cá ngừ, cá chim,... Nghề này có tiềm năng phát triển ở các vùng biển nước ta.


          Lồng bẫy: Một số loại lồng bẫy ghẹ, cá đáy đã được du nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông. Bẫy bạch tuộc cũng được du nhập từ Hồng Kông, Hàn Quốc và các tỉnh miền Trung như: Đà Nẵng, Bình Thuận,... các mẫu lồng bẫy này khai thác khá hiệu quả các đối tượng phân bố ở các vùng biển sâu có đáy gồ ghề.

          Đèn LED: Kỹ thuật sử dụng đèn điện tử LED (Light Emitting Diode) thay thế đèn sợi đốt, halogen,... để tập trung cá trên tàu lưới vây để tăng vùng chiếu sáng và tiết kiệm nhiên liệu. Kỹ thuật này đã được thử nghiệm thành công, mang lại hiệu quả kinh tế ở các tỉnh: Ninh Thuận, Quảng Nam, Tiền Giang,... Kỹ thuật này có thể mở rộng áp dụng cho các nghề khai thác hải sản kết hợp ánh sáng khác như: chụp, vó, mành, câu ở các địa phương khác.

      Về công nghệ bảo quản sản phẩm khai thác

          Thiết bị làm chết nhanh và sơ chế cá ngừ: Bộ thiết bị làm chết nhanh, sơ chế cá ngừ đang được áp dụng có hiệu quả trên tàu câu cá ngừ đại dương ở Nhật Bản được nhập khẩu vào tỉnh Bình Định. Sử dụng các thiết bị này để làm chết nhanh cá, hạn chế vận động mạnh làm cho thịt cá có chất lượng tốt hơn; các thiết bị sơ chế khác: dao, cưa, móc,... chuyên dụng cho việc mổ cá, lấy mang, lấy nội tạng,.. đảm bảo sạch sẽ, triệt để.

          Bể hạ nhiệt nhanh: Thiết bị làm lạnh nhanh nước biển được ứng dụng trên các tàu câu cá ngừ ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Thiết bị này giúp thân nhiệt cá giảm về nhiệt độ thấp (khoảng ±10C) trong thời gian ngắn (khoảng 1,0 giờ đối với cá ngừ đại dương nguyên con) để giữ chất lượng thịt cá trước khi đưa vào bảo quản bằng nước đá. Sản phẩm từ các tàu sử dụng thiết bị này có chất lượng tốt hơn hẳn, giá bán cao hơn các tàu không sử dụng.

         Hệ thống làm lạnh thấm: Hệ thống này được lắp trên tàu cá để làm lạnh không khí trong các hầm bảo quản sản phẩm bằng nước đá để hạn chế sự tan chảy của nước đá giúp kéo dài thời gian bảo quản bằng nước đá và giảm tổn thất chất lượng của sản phẩm. Hệ thống này đang được áp dụng trên tàu lưới kéo ở Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng tàu, tàu câu cá ngừ ở Bình Định,...

         Hầm bảo quản sản phẩm: Hầm bảo quản sản phẩm trên tàu sử dụng vật liệu Polyurethane (PU) có khả năng giữ nhiệt tốt đã được sử dụng khá phổ biến trên tàu cá của các tỉnh ven biển. Hầm này có khả năng giữ nhiệt tốt, làm cho đá lâu tan hơn vì thế có thể bảo quản sản phẩm được dài ngày hơn so với hầm bảo quản truyền thống.

          Hệ thống bảo quản bằng nước biển lạnh: Một số tàu câu cá ngừ vỏ thép và composite ở Khánh Hòa, Bình Định,... đã sử dụng hệ thống làm lạnh nước biển (khoảng 00C) để bảo quản cá ngừ đại dương. Hệ thống này giúp bảo quản cá ngừ dài ngày hơn và có chất lượng tốt hơn so với cá ngừ bảo quản bằng nước đá. Hệ thống này cũng được áp dụng thử nghiệm trên tàu lưới kéo ở Bình Thuận.

      Đến nay, hầu hết các tiến bộ kỹ thuật tiến bộ trong lĩnh vực khai thác hải sản trên thế giới đã được nghiên cứu và bước đầu được thử nghiệm áp dụng như: dự báo ngừ trường dựa trên các trường hải dương; thiết bị dò tìm, đánh giá đàn cá; công nghệ khai thác cá ngừ đại dương, mực,...; hệ thống bảo quản sản phẩm bằng nước biển lạnh,...

      Trong thời gian tới, để việc triển khai các ứng dụng được rộng rãi và mang lại hiệu quả cao, cần có cơ chế gắn kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp/chủ tàu, ngân hàng để nâng cao hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao KHCN, tiến bộ kỹ thuật; Xây dựng cơ chế, chính sách kiểm soát chuỗi giá trị trong khai thác hải sản, tạo động lực cho tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, ứng dụng KHCN vào sản xuất; Điều chỉnh cơ chế hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng KHCN (chính sách khuyến nông) tương xứng với qui mô công nghệ trong khai thác hải sản; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại ứng dụng trong nghề khai thác hải sản; Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế để cập nhật và tìm kiếm cơ hội, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nhập khẩu đồng bộ các công nghệ khai thác hải sản tiến tiến, hiện đại từ nước ngoài; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tổ chức các diễn đàn, giới thiệu, hướng dẫn ứng dụng các thành tựu KHCN mới trong khai thác hải sản.

Duyên Hải
(Nguồn:http://tongcucthuysan.gov.vn/g-khcn-htqt/c-thanh-tuu-khcn/mot-so-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-trong-khai-thac-hai-san-o-viet-nam-trong-thoi-gian-qua/)
TB số Tổng đài
hide