Ngày 02 - 03/11/2017, tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Ninh Thuận tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu đánh bắt xa bờ”.
Ths. Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác Thuỷ sản, Tổng cục Thuỷ sản; Ông Nguyễn Khắc Lâm - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận chủ trì Diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn có trên 250 đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ khuyến nông và ngư dân đến từ 6 tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận), các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến hải sản, các cơ quan báo đài trung ương và địa phương đến đưa tin.
Toàn cảnh Diễn đàn
Trong những năm trở lại đây, lĩnh vực khai thác hải sản được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và đã có bước phát triển vượt bậc. Từ đội tàu thủ công lạc hậu, đến cuối năm 2016 cả nước đã có hơn 33.000 tàu cá xa bờ công suất trên 90 cv. Tỷ trọng sản phẩm khai thác xa bờ tăng nhanh, đạt trên 1400 nghìn tấn, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng khai thác hải sản. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2016 từ các loài hải sản khai thác ngoài tự nhiên đạt khoảng 2,5 tỷ USD, trong đó 90% là giá trị của sản phẩm của các tàu xa bờ.
Tuy nhiên, nhìn chung lĩnh vực khai thác hải sản vẫn là lĩnh vực mang nặng tính thủ công, nhiều khâu trong sản xuất vẫn phải sử dụng lao động trực tiếp, năng suất lao động thấp, sản phẩm khai thác đưa vào bờ mang hàm lượng khoa học công nghệ không cao, tổn thất sau thu hoạch lớn từ 20 – 30%. Để nâng cao hiệu quả trong khai thác hải sản, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi hoạt động trên biển, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động trên tàu, công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác hải sản khoa học công nghệ cần đi trước một bước. Đây cũng chính là lý do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp lần này
Tại Diễn đàn đã được nghe các báo cáo đề dẫn của Tổng cục Thuỷ sản, Viện Khoa học & Công nghệ Khai thác Thuỷ sản, Đại học Nha Trang, Trung tâm Khuyến nông Khánh Hoà và ngư dân tiêu biểu của Ninh Thuận. Ban chủ tọa cùng với các chuyên gia tư vấn đã giải đáp được 35 câu hỏi của các đại biểu tại Diễn đàn. Nội dung các câu hỏi tập trung vào những vấn đề như: ứng dụng thiết bị điện tử hàng hải, thiết bị hầm bảo quản sản phẩm, thiết bị phun foam, thiết bị làm sạch bề mặt phun sơn, sử dụng đèn led trên tàu đánh bắt xa bờ…
Đại biểu cũng đi thăm quan tàu đánh bắt xa bờ của hộ ông Nguyễn Toàn tại xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ông Toàn là một điển hình của tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu đánh bắt công suất lớn, ứng dụng các thiết bị hiện đại trên tàu. Tính đến năm 2016, gia đình ông Toàn có 3 tàu đánh bắt xa bờ (310cv, 370cv, 500cv) với thiết bị hàng hải hiện đại, trong đó có
máy dò ngang CH37 hãng
Furuno. Nhờ đó, doanh thu trung bình mỗi năm từ khai thác thủy sản của gia đình ông Toàn đạt khoảng 10 tỷ, năm 2017 có thể đạt doanh thu 15 tỷ và giải quyết việc làm cho 50 lao động.
Kết thúc Diễn đàn, Ths. Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm KNQG đã kết luận một số nội dung như sau:
- Đối với cơ quan quản lý: Cần dự báo sản lượng, ngư trường đánh bắt chính xác và kịp thời cho bà con ngư dân thông qua đài thông tin của từng địa phương; Chuẩn hoá ngư cụ khai thác cho phù hợp với điều kiện đánh bắt của từng đối tượng hải sản.
- Đối với các cơ quan nghiên cứu: Tập trung nghiên cứu các tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, bảo quản sản phẩm cho bà con ngư dân ứng dụng.
- Đối với các cơ quan chuyển giao: Trung tâm khuyến nông các tỉnh, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… đẩy mạnh thông tin tuyền truyền về các tiến bộ kỹ thuật, mô hình khai thác hiệu quả… để từ một người làm có nhiều ngưòi tham quan học tập và làm theo
- Đối với bà con ngư dân: Cần tham quan các đội tàu đánh bắt hiện đại hiệu quả nhằm tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân, tìm hiểu luật pháp, tập huấn kỹ thuật vận hành thiết bị trên tàu, nên làm từ nhỏ đến lớn, từ 1 tàu rồi nhiều tàu, sau từng đợt đi biển cần có bài học rút kinh nghiệm cho lần ra khơi sau, đặc biệt chủ động sáng tạo với nghề khai thác xa bờ.
- Đối với cơ quan báo chí: Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân rộng mô hình tiên tiến, hiệu quả mà ngư dân đã làm; Động viên khích lệ các hộ ngư dân khai thác hải sản từng vùng bám biển, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Nguyễn Huy Thạch
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia