Hội thảo ứng dụng đèn LED trong hoạt động đánh bắt thủy sản
(BĐ) - Ngày 23.11, tại TP Quy Nhơn, Trung tâm Phát triển Xanh và Công ty Stanley Electric Nhật Bản đồng phối hợp tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả năng lượng và cải tiến môi trường làm việc trên tàu đánh cá ứng dụng thiết bị LED công nghệ mới, COB”. Tham gia Hội thảo có các đại biểu đại diện Trung tâm Thông tin Thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Sở NN&PTNT các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và ngư dân.
Quang cảnh hội thảo.
Đây là hoạt động thuộc Dự án (DA) “Tiết kiệm năng lượng và cải tiến môi trường làm việc trên tàu đánh cá thông qua ứng dụng thiết bị chiếu sáng LED công nghệ kỹ thuật mới COB đặc thù tại Việt Nam”, do tổ chức Phát triển Công nghệ Công nghiệp và Năng lượng mới Nhật Bản (NEDO) tài trợ thuộc Chương trình hợp tác về tăng trưởng cacbon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản theo Cơ chế tín chỉ chung (JCM). Mục tiêu của DA là thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa ngành công nghiệp đánh bắt cá bằng sử dụng công nghệ đèn LED có độ bền, hiện đại được nghiên cứu và phát triển bởi Công ty Stanley Electric.
Tại hội thảo, ông Satoshi Higaki, Phó Giám đốc quan hệ quốc tế NEDO, khẳng định: Thiết bị chiếu sáng LED COB, là một nguồn ánh sáng cho các tàu đánh bắt xa bờ (trên 90 CV) thay thế cho các nguồn sáng truyền thống sử dụng đèn halogen, thủy ngân và đèn sợi đốt. Hiệu quả tiết kiệm năng lượng hơn 70%. Hiện nay, DA này đã lắp đặt 1.800 đèn LED COB cho các tàu đánh bắt xa bờ tại 3 huyện của tỉnh Quảng Trị là Vĩnh Linh, Gio Linh và Triệu Phong. Qua sử dụng, ngư dân đánh giá đây là thiết bị mới giúp ngư dân tiết kiệm nhiên liệu, tăng hiệu quả kinh tế và góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Về phía tỉnh ta, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định: “Theo giới thiệu của đại diện NEDO cho thấy tàu đánh bắt xa bờ nếu được trang bị đèn LED COB sẽ giúp ngư dân tiết kiệm hơn 70% năng lượng, giảm chi phí đánh bắt, tăng lợi nhuận. Sở sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng công nghệ mới này trước khi phổ biến tới ngư dân để áp dụng. Tuy nhiên trở ngại lúc này là giá sản phẩm này khá cao, khoảng 15 triệu đồng/đèn”.
Cũng tại hội thảo, các địa phương cùng ngư dân đã dành nhiều thời gian trao đổi thông tin xung quanh về tính hiệu quả nếu lắp đặt đèn LED trên tàu khai thác. Đồng thời, các đại biểu NEDO đã cung cấp thêm thông tin về ứng dụng đèn LED trong khai thác thủy sản tại Nhật Bản và chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.
TRỌNG LỢI
(nguồn: http://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=91690)